Theo đài CNBC, bán hàng qua phát trực tiếp (livestream) bùng nổ mạnh mẽ tại Trung Quốc trong bối cảnh thương mại điện tử (TMĐT) đi xuống. Số liệu của công ty tư vấn quản trị toàn cầu McKinsey cho thấy doanh số bán hàng livestream tăng 19% trong Ngày độc thân 11-11 - một lễ hội mua sắm lớn, trong khi bán hàng qua TMĐT truyền thống giảm 1% so với cùng kỳ.
Thời của streamer ảo
Việc bán hàng livestream bùng nổ đã kích thích sự phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) phục vụ nhu cầu này. Với công nghệ AI, nhà bán hàng có thể tiết kiệm chi phí nhân lực khi công cụ AI có thể livestream cả ngày không biết mệt mỏi.
Tại Trung Quốc, Tencent - công ty công nghệ hàng đầu nước này - mới đây đã ra mắt dịch vụ AI livestream với video dài 3 phút cùng 100 câu thoại để hỗ trợ bán hàng trực tuyến. Công ty còn ra mắt nền tảng Zen Video, cho phép nhà bán hàng xây dựng video quảng cáo đơn giản với streamer ảo.
Thậm chí, để gia tăng tương tác, nhiều hãng công nghệ còn kết hợp AI livestream với các ứng dụng có khả năng tương tự chatbot GPT của OpenAI nhằm tự động trả lời khách hàng trong các buổi livestream.
Công nghệ AI mới khiến những người có sức ảnh hưởng (KOLs) đứng trước nguy cơ mất việc làm khi chất lượng các buổi livestream thực tế ảo đang được cải thiện dần, khả năng tương tác tốt hơn và giúp nhà bán hàng tiết kiệm chi phí nhiều hơn. Chưa kể, với AI livestream, nhà bán hàng còn tránh được rủi ro đến từ việc KOL gặp bê bối, bị cấm sóng, gây ảnh hưởng tiêu cực đến nhãn hàng.
Ông Nguyễn Công Luận, nhà sáng lập thương hiệu cà phê trái cây Meet More, tin rằng streamer ảo có khả năng sẽ thay thế KOL bán hàng. "Hiện tại, không chỉ công nghệ bán hàng ở Trung Quốc phát triển mạnh mà họ còn đang đẩy mạnh xây dựng các kho chứa hàng tại Việt Nam. Điều đó có nghĩa họ đã nhắm tới thị trường Việt. Do đó, KOL tại Việt Nam phải nhanh chóng đổi mới, tạo độ tin cậy và có sự chọn lọc để giữ vững thương hiệu trong thị trường livestream bán hàng" - ông Luận nhận xét.
TikToker Nguyễn Nhựt Linh (sở hữu 1,2 triệu người theo dõi) bày tỏ: "Tôi đã xem các buổi bán hàng thông qua AI livestream và thấy AI chỉ có thể khiến sức hút của các KOLs bị giảm một phần nào đó. Tuy vậy, người tiêu dùng vẫn sẽ chọn mua hàng do KOL giới thiệu bởi họ đã định vị được thương hiệu trên nền tảng". TikToker này còn tự tin rằng việc đưa AI vào hoạt động livestream là cơ hội để KOL phát triển thương hiệu, xây dựng nội dung ngày càng đột phá.
Một TikToker khác với 50.800 lượt theo dõi cho rằng sự xuất hiện của AI livestream có thể ảnh hưởng đến công việc của KOL nhưng cũng mang lại nhiều cơ hội để họ đổi mới. TikToker này nhận định: "Trước nguy cơ bị thay thế, không chỉ KOL mà bất kỳ ai cũng phải tự thay đổi, nâng cấp bản thân của mình để tiếp tục trong công việc. KOL ngày càng kỹ trong việc giữ thương hiệu, chọn lọc sản phẩm, sáng tạo nội dung".
Khó thay thế KOL?
Ở góc độ người tiêu dùng, chị Như Quỳnh (ngụ quận 3, TP HCM) cho biết chị thường xuyên mua sắm trong các phiên livestream nên hiểu tâm lý của người mua hàng là muốn tương tác, nhìn thấy hàng thật và một phần quyết định mua sắm đến từ việc thích người livestream.
"Tôi có nghe nói streamer ảo đang rộ lên ở Trung Quốc nhưng theo tôi, nó chỉ phù hợp bán những sản phẩm đơn giản, không cần tư vấn. Người tiêu dùng vẫn thích mua hàng do những KOL có tên tuổi giới thiệu hơn" - chị Quỳnh cho hay.
Anh Thanh Vĩnh (ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) cho rằng AI livestream chỉ phù hợp trong các chương trình giải trí nhằm nâng cấp trải nghiệm của người dùng. Còn áp dụng trong bán hàng trực tuyến thì chưa phù hợp do đa phần người tiêu dùng còn e ngại về chất lượng hàng hóa do AI giới thiệu.
Chuyên gia phân tích Xiaofeng Wang của Forrester cũng chỉ ra nhược điểm của công nghệ này là tương tác kém với người dùng xem trực tuyến. Ông Bùi Thanh Bình, Giám đốc Công ty CP BMZ, đánh giá streamer ảo kém sự tương tác nên khả năng thu hút người dùng mua sản phẩm sẽ không đạt hiệu quả cao. Người dùng ưa thích sự hiện diện của các KOL và tương tác với họ.
"Có thể thấy thời gian vừa qua, một số kênh trên mạng xã hội sử dụng AI để tạo ra giọng hát của ca sĩ nổi tiếng nhưng hầu như không có sự đột phá. Xu hướng tiết giảm chi phí, nhân sự là đúng nhưng để một con người ảo lên livestream bán hàng dường như chưa khả thi" - ông Bình đánh giá.
Theo chuyên gia này, việc nở rộ của AI livestream ở Trung Quốc có thể chỉ là sự tò mò ban đầu, người tiêu dùng vẫn thích người thật hơn. Streamer ảo chỉ đáp ứng nhu cầu công việc trong thời gian ngắn.
Ông Bình cho rằng nếu AI livestream xuất hiện ở Việt Nam thì cần phải quy định và có chế tài rõ ràng. Nếu không, sẽ dễ xảy ra tình trạng bán các sản phẩm "rác", nghĩa là bán hàng một lần, khi hàng kém chất lượng hay không đúng thực tế rồi biến mất, người tiêu dùng không thể hoàn trả hoặc khiếu nại.
Tốn cả tỉ đồng để thuê KOL livestream
Theo dữ liệu từ Influencer Marketing Hub, KOL livestream tại Việt Nam được phân loại thành 5 cấp. Thấp nhất là Nano KOL (1.000 - 10.000 người theo dõi); kế đến là Micro KOL (10.000 - 50.000 người theo dõi); KOL tầm trung (50.000 - 500.000 người theo dõi); Macro KOL (500.000 - 1 triệu người theo dõi); cao nhất là Mega KOL (từ 1 triệu người theo dõi trở lên).
Theo đó, chi phí thuê KOL livestream trên Facebook, thời gian theo thỏa thuận với Nano dao động 610.000 đồng đến 6,1 triệu đồng/lần live; Micro từ 6,1 - 30,5 triệu đồng/lần; tầm trung 30,5 - 350 triệu đồng/lần live; Macro từ 350 - 611 triệu đồng/live. Cuối cùng là Mega từ 611 triệu đồng trở lên.
Đối với nền tảng TikTok, giá thuê rẻ hơn nhiều, như Nano KOL từ 122.000 - 611.000 đồng/lần live; Micro từ 611.000 đồng đến 3 triệu đồng/lần; tầm trung 3 - 30,5 triệu đồng/lần; Macro từ 30,5 - 61 triệu đồng/lần. Mega từ 61 triệu đồng trở lên.
Hiện nay, 2 gương mặt KOL được xem là "chiến thần" livestream bán hàng khi mang về doanh thu hàng tỉ đồng chỉ trong 1 phiên là TikToker Phạm Thoại (4,5 triệu người theo dõi) và Ha Linh Official (3,8 triệu người theo dõi).
0 nhận xét:
Post a Comment